TĂNG GIÁ DỊCH VỤ Y TẾ, CƠ SỞ Y TẾ CÔNG KÉM CHẤT LƯỢNG SẼ CÓ NGUY CƠ ĐÓNG CỬA
Cập nhật lúc: 31/08/2023 2209
Cập nhật lúc: 31/08/2023 2209
Liên Bộ Y tế - Tài chính và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đang phối hợp hoàn thiện Thông tư liên bộ quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc để áp dụng vào cuối năm nay. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trò chuyện với Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk Doãn Hữu Long xoay quanh nội dung này.
* Thưa ông, mới đây, Liên Bộ Y tế - Tài chính và BHXH Việt Nam đã thống nhất thực hiện tăng giá của 1.800 dịch vụ y tế và dự kiến sẽ triển khai vào cuối năm 2015. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Thông tư quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện trên toàn quốc được Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, Bộ Tài chính xây dựng. Theo đó, liên Bộ ban hành mức giá cố định thay vì khung giá tối đa do địa phương tự xây dựng như hiện nay. Có khoảng 1.800 dịch vụ kỹ thuật được điều chỉnh giá trong lần này, trong đó tăng nhiều nhất là các phẫu thuật, thủ thuật đặc biệt. Lần điều chỉnh này không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế mà từng bước xóa bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ nhằm tăng tính cạnh tranh và bảo đảm lợi ích của các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, đồng thời chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT.
Việc tăng giá dịch vụ y tế lần này áp dụng cho tất cả các bệnh viện có ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT. Trước mắt chỉ áp dụng với người có thẻ BHYT, đối với người chưa có thẻ BHYT thì vẫn thực hiện mức giá như hiện nay. Trong năm 2016, liên Bộ Y tế, Tài chính sẽ căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội để trình Chính phủ việc áp dụng cho người không có thẻ BHYT tại thời điểm phù hợp.
* Điều mà người dân quan tâm nhất hiện nay về vấn đề này là tăng giá dịch vụ y tế có đi cùng với tăng chất lượng khám chữa bệnh và tiêu chuẩn nào để đánh giá chất lượng khám chữa bệnh tại mỗi bệnh viện, thưa ông?
Chất lượng dịch vụ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: trình độ cán bộ, cơ sở hạ tầng, hệ thống trang thiết bị y tế. Hiện nay giá dịch vụ y tế mới chỉ được tính 3 yếu tố đầu tiên trong 7 yếu tố đầu vào (gồm: thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản; tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học). Sau 3 năm điều chỉnh giá, hầu hết địa phương mới chỉ điều chỉnh ở mức 60-80% của 3 yếu tố nhưng đã mang lại những hiệu quả nhất định. Khi liên Bộ có chủ trương điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này, trước mắt sẽ kết cấu phụ cấp đặc thù và chi phí lương vào giá dịch vụ để giúp cho các cơ sở y tế có điều kiện đào tạo nâng cao trình độ cán bộ, nâng cấp cơ sở hạ tầng và đầu tư trang thiết bị y tế.
Đặc biệt, khi tính chi phí lương vào giá dịch vụ sẽ làm thay đổi căn bản tư duy và nhận thức của đội ngũ cán bộ y tế, bởi khi đó tiền lương của cán bộ y tế sẽ được người bệnh chi trả thông qua BHYT. Đồng thời, khi giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ theo đúng giá trị thực sẽ tạo ra sự cạnh tranh công bằng và lành mạnh giữa các cơ sở y tế công và tư. Nếu cơ sở y tế công mà chất lượng kém người bệnh sẽ không tin tưởng đến khám chữa bệnh, BHXH sẽ không ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT thì cơ sở ấy có nguy cơ sẽ phải đóng cửa
* Theo ông, việc thực hiện tăng giá dịch vụ y tế lần này có tác động như thế nào đến người không có thẻ BHYT?
Bộ Y tế nhận định, người bệnh nói chung không phải chi trả thêm một số chi phí mà trước đây chưa kết cấu vào giá. Giá tính đủ chi phí sẽ khuyến khích các bệnh viện triển khai, phát triển kỹ thuật y tế, người dân sẽ được thụ hưởng các dịch vụ này ngay trên địa bàn, bảo đảm công khai minh bạch, giảm phiền hà cho người bệnh. Thông tư này trước mắt chỉ áp dụng đối với thanh toán BHYT, còn người không có thẻ BHYT vẫn áp dụng mức giá hiện nay đang thực hiện nên không bị ảnh hưởng. Dù 1800 dịch vụ y tế tăng giá thì quỹ BHYT vẫn có khả năng cân đối được đến hết 2017, từ 2018 sẽ xem xét điều chỉnh mức đóng cho phù hợp (Luật quy định tối đa 6%, hiện nay đóng 4,5% lương). Và khi điều chỉnh giá đối với người không có thẻ BHYT sẽ thúc đẩy đối tượng này tham gia BHYT.
* Còn với đối tượng là người nghèo, người cận nghèo, họ có được hỗ trợ gì khi tăng giá dịch vụ y tế không, thưa ông?
Theo chính sách của Đảng và Nhà nước ta, hiện nay toàn bộ người nghèo theo chuẩn nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định đã được Nhà nước mua thẻ BHYT nên khi đi khám chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh. Đối với người cận nghèo, Nhà nước hỗ trợ 70% để mua thẻ BHYT, họ chỉ phải bỏ ra 30% mệnh giá thẻ BHYT (khoảng 186.000 đồng). Trong khi đó, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án hỗ trợ 30% kinh phí mua thẻ BHYT cho hộ cận nghèo trên địa bàn giai đoạn 2016-2020. Đề án này sẽ được trình HĐND tỉnh xem xét trong kỳ họp tới (dự kiến diễn ra vào đầu tháng 12-2015).
* Xin cảm ơn ông!
Xem thêm: BẢNG GIÁ DỊCH VỤ
Xem thêm: DỊCH VỤ CỦA CHÚNG TÔI
Ngày 18/7/2024, Bộ Y tế công bố Bệnh viện mắt Tây Nguyên là Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu là cơ sở hướng dẫn thực hành để cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Xem chi tiết